MBTI (Myers-Briggs Type Indication) - Phân loại tính cách là phương pháp sử dụng những câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để xác định tính cách của con người, dựa vào đó chúng ta hiểu chính mình hơn.Trong một hoàn cảnh như nhau, hai người có tính cách khác nhau, họ sẽ suy nghĩ và hành động khác nhau, nếu biết được tính cách của người khác chúng ta có thể đoán được suy nghĩ, hành động của họ. MBTI được ứng dụng nhiều trong việc: Xây dựng đội ngũ nhân viên, quản lý và đào tạo, đối phó với căng thẳng, giải quyết xung đột, đàm phán, hướng dẫn nghề nghiệp, xây dựng các mối quan hệ cá nhân tốt hơn. Click vào đây để làm bài trắc nghiệm MBTI.
Tính cách ENTJ - Tổng quan
Quảng cáo của Google
Giới thiệu
AI LÀ NGƯỜI CHỈ HUY (ENTJ)?
Người chỉ huy (ENTJ) là người có các đặc điểm tính cách Hướng ngoại (Extraverted), Trực giác (Intuitive), Lý trí (Thinking) và Nguyên tắc (Judging). Họ là những người quyết đoán, yêu thích động lực và thành tựu. Họ học hỏi, tìm tòi để xây dựng tầm nhìn sáng tạo của bản thân nhưng hiếm khi chần chừ lâu trước khi thực thi những kế hoạch đó.
Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó vào việc sống cuộc đời của người khác.
STEVE JOBS
Người chỉ huy là những người có tài năng lãnh đạo thiên bẩm. Những người thuộc kiểu tính cách này là hiện thân của sự lôi cuốn, tự tin, và có khả năng thể hiện quyền lực bằng cách kết nối mọi người lại với nhau để đạt được mục tiêu chung. Tuy nhiên, Người chỉ huy lại thường lý trí đến mức tàn nhẫn, họ tận dụng khát khao, quyết tâm và óc nhạy bén của mình để hoàn thành mọi mục tiêu đã đề ra. Có lẽ việc họ chỉ chiếm 3% dân số là một điều hay bởi họ sẽ không lấn át những kiểu tính cách rụt rè và nhạy cảm hơn đang chiếm phần lớn phần còn lại của thế giới – nhưng chúng ta vẫn phải cảm ơn những Người chỉ huy vì những doanh nghiệp và tổ chức mà thường ngày chúng ta vẫn cho là hiển nhiên.
Phấn đấu vươn đến sự vĩ đại
Nếu có điều gì mà Người chỉ huy say mê thì đó là một thử thách có giá trị, dù thử thách đó lớn hay nhỏ, và họ tin chắc rằng nếu có đủ thời gian và nguồn lực, họ có thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào. Phẩm chất này giúp những người sở hữu tính cách Người chỉ huy trở thành những doanh nhân xuất sắc. Đồng thời khả năng tư duy chiến lược và tập trung lâu dài trong từng bước đi của kế hoạch một cách quyết tâm và chính xác cũng giúp họ trở thành những nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực. Sự quyết tâm này thường là một lời tiên tri tự ứng nghiệm, trong khi những người khác có thể từ bỏ và bước tiếp thì Người chỉ huy vẫn hoàn thành mục tiêu bằng quyết tâm cực kỳ mạnh mẽ. Với bản chất Hướng ngoại (E), họ cũng có khả năng thúc đẩy người khác đồng hành cùng mình để gặt hái được những thành tựu ấn tượng.
Trên bàn đàm phán, dù là trong thương trường hay khi chỉ mua một chiếc ô tô, Người chỉ huy luôn ở thế lấn át, không nao núng và cũng không khoan nhượng. Không phải vì họ máu lạnh hay xấu xa mà phần nhiều là do họ thực sự yêu thích các thử thách, những màn đấu trí cũng như ứng đối đến từ môi trường này, và nếu đối thủ không thể theo kịp họ thì họ cũng sẽ không cho đó là chiến thắng cuối cùng theo như nguyên lý cốt lõi do chính họ đặt ra.
Ý nghĩ ẩn sâu trong tâm trí Người chỉ huy có thể là "Bạn có gọi tôi là kẻ vô cảm thì tôi cũng chẳng quan tâm, miễn là tôi vẫn làm việc hiệu quả".
Nếu có ai được Người chỉ huy tôn trọng thì đó là người có thể đối đầu với họ về mặt trí tuệ, người có thể hành động với độ chính xác và chất lượng ngang bằng với họ. Người chỉ huy rất giỏi trong việc nhìn ra tài năng của người khác và khả năng này vừa giúp họ xây dựng đội nhóm (vì không ai có thể làm mọi thứ một mình dù họ tài giỏi đến đâu), vừa giữ cho họ không tỏ ra quá kiêu ngạo và trịch thượng. Tuy nhiên, họ cũng rất giỏi chỉ ra thất bại của người khác một cách lạnh lùng, vô cảm, và đây chính là lúc họ thực sự bắt đầu gặp rắc rối.
Một thử thách có giá trị
Thể hiện cảm xúc vốn không phải điểm mạnh của nhóm tính cách Nhà phân tích (Analyst). Nhưng ở Người chỉ huy, đặc điểm này lại đặc biệt rõ ràng và rất nhiều người có thể trực tiếp cảm nhận thấy. Đặc biệt là khi ở trong môi trường chuyên nghiệp, Người chỉ huy sẽ đè bẹp sự nhạy cảm của những người mà họ cho là làm việc kém hiệu quả, bất tài hoặc lười biếng. Những người sở hữu tính cách Người chỉ huy cho rằng thể hiện cảm xúc là biểu hiện của sự yếu đuối và vì vậy họ rất dễ gây thù chuốc oán với người khác. Người chỉ huy nên nhớ rằng họ vẫn phụ thuộc vào hoạt động đội nhóm, không chỉ để đạt được mục tiêu mà còn để được công nhận và góp ý, một việc rất nhạy cảm với Người chỉ huy.
Người chỉ huy là những người thật sự có uy quyền, và họ xây dựng hình ảnh bản thân là một người phi thường - và thường thì họ đúng là phi thường. Tuy nhiên, họ cần nhớ rằng họ có được tầm vóc lớn lao không phải chỉ nhờ hành động của cá nhân họ mà còn nhờ tác động của đội nhóm đã hỗ trợ họ, và điều quan trọng là họ phải biết nhìn nhận những đóng góp, tài năng và nhu cầu của những người hỗ trợ mình, đặc biệt là từ góc độ cảm xúc. Ngay cả khi phải áp dụng tâm lý “giả vờ cho đến khi thực sự làm được”, nếu Người chỉ huy có thể kết hợp thêm khả năng tập trung lành mạnh về mặt cảm xúc với nhiều điểm mạnh của mình, họ sẽ được đền đáp bằng những mối quan hệ sâu sắc, thỏa mãn và tất cả những chiến thắng đầy thử thách mà họ có thể chinh phục.
01
Điểm mạnh và điểm yếu
Điểm mạnh của Người chỉ huy
Hiệu quả – Người chỉ huy coi sự kém hiệu quả không chỉ là một vấn đề theo nghĩa đen, mà còn là thứ gì đó làm hao phí thời gian và sức lực trên đường chinh phục các mục tiêu tương lai, một sự phá hoại tinh vi gây ra bởi cái phi lý và lười biếng. Những người thuộc kiểu tính cách Người chỉ huy sẽ tiêu diệt tận gốc những hành vi như thế ở bất cứ nơi nào họ đến.
Hăng hái - Người chỉ huy không cảm thấy mệt mỏi mà luôn tràn đầy năng lượng khi theo đuổi hành trình này, họ thực sự thích dẫn dắt đội ngũ của mình tiến về phía trước khi họ thực hiện các kế hoạch và mục tiêu của mình.
Tự tin – Người chỉ huy không thể đạt được mục tiêu nếu họ nghi ngờ về bản thân – họ tin tưởng vào khả năng của mình, luôn đưa ra ý kiến và tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của chính họ.
Ý chí mạnh mẽ – Họ cũng không bỏ cuộc khi gặp khó khăn – Tính cách Người chỉ huy luôn cố gắng đạt được mục tiêu của mình, nhưng thực sự không có gì khiến họ hài lòng bằng việc vượt qua thử thách của từng chướng ngại vật trên đường về đích.
Tư tưởng chiến lược – Người chỉ huy cho thấy sự khác biệt khi lựa chọn phương pháp điều hướng thách thức cũng như các bước của một kế hoạch lớn hơn thay vì chỉ giải quyết khủng hoảng tức thời. Họ cũng được biết đến là người luôn xem xét vấn đề từ mọi góc độ. Họ không chỉ giải quyết các vấn đề nhất thời mà còn dùng giải pháp mà mình nghĩ ra để thúc đẩy dự án phát triển lâu dài.
Lôi cuốn và truyền cảm hứng – Hai phẩm chất này kết hợp với nhau tạo nên những cá nhân có khả năng truyền cảm hứng và tiếp thêm năng lượng cho người khác, và mọi người thật sự mong được làm việc dưới trướng họ. Ưu điểm này giúp Người chỉ huy chinh phục các mục tiêu thường là đầy tham vọng mà họ không bao giờ có thể đạt được một mình.
Điểm yếu của Người chỉ huy
Cứng đầu và độc tài – Đôi khi sự tự tin và sức mạnh ý chí này có thể đi quá xa. Khi đó Người chỉ huy trở nên bướng bỉnh, không chịu thua trong bất kỳ cuộc tranh luận nào và áp đặt quan điểm của riêng họ lên người khác.
Cố chấp – “Đi đường tôi, không thì đi khuất mắt tôi” – Những người sở hữu tính cách Người chỉ huy nổi tiếng là không ủng hộ bất kỳ ý tưởng nào làm xao lãng mục tiêu chính của họ, và thậm chí họ còn phản ứng hơn thế nữa đối với những ý tưởng được đưa ra dựa trên cảm xúc. Người chỉ huy sẽ nói thẳng điều đó với những người xung quanh mà không chần chừ một giây phút nào.
Thiếu kiên nhẫn – Một số người cần nhiều thời gian để suy nghĩ hơn những người khác nhưng những Người chỉ huy sở hữu bộ óc nhanh nhạy lại không thể chịu đựng được điều đó. Họ có thể hiểu sai và cho rằng suy ngẫm tức là đối phương ngu dốt hoặc không buồn quan tâm đến sự sốt ruột của họ. Đây lầm sai lầm khủng khiếp đối với một lãnh đạo.
Kiêu ngạo – Người chỉ huy đề cao tư duy nhanh nhạy và lòng cương quyết, cũng là những phẩm chất của chính họ, và coi thường những người không có phẩm chất tương tự. Mối quan hệ này là một thách thức đối với hầu hết các loại tính cách khác, những người có thể không phải là người nhút nhát nhưng lại có vẻ như thế khi ở bên cạnh những Người chỉ huy độc đoán.
Xử lý cảm xúc kém – Sự hung hãn cộng thêm việc đề cao chủ nghĩa duy lý khiến Người chỉ huy khó bộc lộ cảm xúc của chính họ và đôi khi thẳng thừng khinh miệt cả cảm xúc của người khác. Những người sở hữu loại tính cách này thường chà đạp lên cảm xúc của người khác, vô tình làm tổn thương cộng sự và bạn bè, đặc biệt là trong những tình huống nhạy cảm về mặt cảm xúc.
Lạnh lùng và tàn nhẫn – Nỗi ám ảnh của Người chỉ huy về tính hiệu quả và niềm tin không hề suy suyển vào giá trị của chủ nghĩa duy lý, đặc biệt là về mặt chuyên môn, khiến họ trở nên vô cùng lãnh cảm khi theo đuổi mục tiêu của mình. Họ xem hoàn cảnh cá nhân, sự nhạy cảm và sở thích của người khác là phi lý và không thích đáng.
Mối quan hệ lãng mạn
Như trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, Người chỉ huy tiếp cận việc hẹn hò và các mối quan hệ bằng cách đề ra một loạt mục tiêu cũng như kế hoạch, và họ tiến hành với nghị lực và lòng hăng hái đầy ấn tượng. Người chỉ huy chấp nhận dấn thân để giành chiến thắng và sẽ sẵn lòng đảm nhận vai trò dẫn dắt trong các mối quan hệ ngay từ đầu, tự mình nhận lấy trách nhiệm giữ cho mọi việc diễn ra suôn sẻ và làm việc tích cực để đảm bảo trải nghiệm hài lòng cho cả hai phía. Các mối quan hệ lãng mạn là một công việc nghiêm túc, và Người chỉ huy sẽ muốn gắn bó lâu dài.
Dẫn dắt
Ý thức trách nhiệm cá nhân này đồng nghĩa với việc Người chỉ huy dành rất nhiều tâm huyết cho các mối quan hệ của mình, và họ thể hiện sự sáng tạo bằng cách luôn tạo ra những điều mới mẻ trong kế hoạch để duy trì cảm giác thú vị, đặc biệt là trong giai đoạn hẹn hò. Tuy nhiên, đồng thời, Người chỉ huy cũng luôn để mắt đến tính lâu dài và nếu họ xác định rằng một mối quan hệ đang đi đến ngõ cụt, họ sẽ dừng lại và bước tiếp. Đối tác của họ sẽ cảm thấy như sự quan tâm mà mình luôn nhận được bỗng dưng chấm dứt một cách đột ngột.
Sự nhẫn tâm trong các mối quan hệ cá nhân này là điểm yếu bậc nhất của Người chỉ huy và nếu không cẩn thận, họ có thể mang tiếng xấu. Cảm nhận được cảm giác và cảm xúc của người khác sẽ không bao giờ là một kỹ năng thoải mái đối với Người chỉ huy, nhưng quan trọng là họ phải nỗ lực một cách có ý thức để phát triển kỹ năng này, vì lợi ích của đối tác và vì khả năng thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh của chính họ. Nếu không, họ sẽ có nguy cơ trở nên độc đoán đối với đối tác của mình, và sự thiếu nhạy cảm này có thể dễ dàng phá vỡ một mối quan hệ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.
Yêu mạnh dạn
Nhưng khi mọi việc diễn ra tốt đẹp trong giai đoạn hẹn hò và có khả năng tiến xa hơn, Người chỉ huy lại tiếp tục gây ấn tượng bằng óc sáng tạo và năng lượng mà họ sở hữu. Phải nói rằng sự tự tin thực sự của họ khiến đời sống tình dục của Người chỉ huy trở nên năng động và họ thường nỗ lực khám phá những cách thức mới để thể hiện tình cảm của bản thân bằng sự hăng hái giàu trí tưởng tượng. Tuy nhiên, Người chỉ huy có xu hướng lên kế hoạch trước cho những đổi mới này, họ có những sắp xếp và dự đoán trước trong đời sống tình dục, nhường lại phần tự phát đúng nghĩa cho những kiểu tính cách kém tổ chức hơn.
Người chỉ huy cực kỳ có định hướng phát triển và sẽ nắm bắt mọi cơ hội để cải thiện bản thân, lắng nghe và hành động dựa trên những góp ý, miễn là chúng hợp lý, và luôn nỗ lực trau dồi kiến thức của mình. Đồng thời, Người chỉ huy cũng kỳ vọng điều tương tự ở phía đối tác và điều khiến họ ngạc nhiên là không phải lúc nào những người khác cũng có thái độ này. Họ còn bất ngờ hơn nữa khi những người khác nỗ lực để tránh những tình huống căng thẳng này.
Người chỉ huy nên nhớ rằng cách tiếp cận của họ chỉ là một trong số rất nhiều những cách tiếp cận mà thôi. Mặc dù Người chỉ huy có thể cho rằng phê bình là cách hiệu quả nhất (và họ thường đúng), nhưng họ cũng nên nhớ rằng đối tác của họ có thể quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ và phát triển về mặt cảm xúc, một lĩnh vực tự cải thiện bản thân mà Người chỉ huy thường tránh né.
Như với hầu hết mọi thứ, sự cân bằng là chìa khóa và Người chỉ huy nên cố gắng nhân nhượng với đối tác, bất kể nhu cầu của họ là gì, hãy đưa ra những góp ý trung thực hoặc đều đặn hỗ trợ và khen ngợi họ về mặt cảm xúc.
Cũng như các tính cách thuộc nhóm Nhà phân tích khác, Người chỉ huy phù hợp nhất với các loại tính cách thiên về Trực giác (N) khác, với một hoặc hai đặc điểm đối lập giúp mối quan hệ cân bằng hơn. Người chỉ huy trưởng thành có thể nhận ra và thích ứng với nhu cầu của đối tác, đồng thời biết rằng ngay cả những cá nhân lý trí nhất cũng có nhu cầu cảm xúc cần được đáp ứng. Thật may khi chính thứ logic đã gạc bỏ cảm xúc cũng có khả năng nhận ra rằng thái độ hòa giải có thể là công cụ tốt nhất để hoàn thành công việc. Với tinh thần trách nhiệm và cống hiến mạnh mẽ, những người thuộc tính cách Người chỉ huy chắc chắn sẽ nỗ lực trong khía cạnh này để có được những mối quan hệ thỏa mãn và lâu dài.
Tình bạn
Như trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống, trong tình bạn, Người chỉ huy tìm kiếm sự phát triển và nguồn cảm hứng cá nhân, và họ thường lên kế hoạch để thực hiện điều đó. Tình bạn hoàn cảnh, được xây dựng dựa trên những thứ như thói quen chung, không phải là phương pháp ưa thích của Người chỉ huy - thay vào đó, họ săn tìm bạn bè, tìm kiếm những cá nhân cùng say mê những cuộc thảo luận sâu sắc, ý nghĩa và cũng thích học hỏi và phát triển như họ. Trở thành bạn của Người chỉ huy không phải lúc nào cũng dễ dàng – họ đòi hỏi rất nhiều từ những mối quan hệ này – nhưng họ rất đầu tư cho tình bạn và sẽ không bao giờ để bạn bè có cảm giác bị bỏ bê.
Tình bạn của Người chỉ huy được xây dựng dựa trên những ý tưởng, và điều làm họ cảm thấy thú vị phần lớn là quá trình đối ứng khi các bên đưa ra quan điểm và bảo vệ suy nghĩ của mình từ mọi góc độ. Những người sỡ hữu tính cách Người chỉ huy rất thông minh và nghiêm khắc trong phê bình. Họ sẽ không lùi bước nếu bị đặt vào thế phòng thủ – thực tế thì không còn cách nào tốt hơn để có được sự tôn trọng của họ.
Không dễ để chống lại một tính cách vừa lấn át vừa hung hãn như Người chỉ huy, và họ cũng thường thấy rằng những người khác sẽ gục ngã trước sức ép mà họ tạo ra khi họ thực sự bắt đầu tận hưởng việc họ làm.
Chỉ những ai theo chủ nghĩa duy lý cứng rắn nhất mới có thể giữ vững lập trường trước những người biểu hiện mạnh mẽ tính cách của Người chỉ huy, những người không cần hỗ trợ về mặt tinh thần và cũng không hiểu nhu cầu được hỗ trợ của người khác. Sự thiếu nhạy cảm này là điểm yếu lớn nhất của nhóm Người chỉ huy. Xu hướng thách thức bạn bè, gặng hỏi về kết luận của họ và bác bỏ những lý lẽ mang tính cảm xúc vì cho rằng không liên quan đặc biệt gây khó khăn cho những người bạn theo thiên hướng Cảm xúc. Một quan điểm nếu không có lý lẽ và logic sẽ được xem là một quan điểm sai lầm.
Thu hẹp khoảng cách
Những Người chỉ huy sáng suốt hơn nhận ra rằng nếu có một lĩnh vực nào đó mà họ có thể học hỏi từ người khác và cải thiện bản thân thì đó chính là lĩnh vực nhạy cảm về mặt cảm xúc - việc loại bỏ bất kỳ khía cạnh nào của sự phát triển cá nhân đều có thể coi là đạo đức giả. Tình bạn với những người thuộc nhóm Nhà ngoại giao (Diplomat) có thể đặc biệt có lợi cho Người chỉ huy, vì đặc điểm Trực giác (N) mà hai bên cùng sở hữu giúp thúc đẩy một kết nối tức thời có khả năng thu hẹp khoảng cách giữa logic tự do của họ và sự thừa nhận rằng hợp tác và hòa giải thường có thể đạt được nhiều hơn là khi chỉ sử dụng một mình logic.
Tuy nhiên, phần lớn bạn bè của Người chỉ huy sẽ thường thuộc nhóm Nhà phân tích, vì tất cả những loại tính cách này đều có chung niềm đam mê với những ý tưởng logic sâu rộng cùng với hoạt động tranh luận phản biện. Bất kỳ ai có thể sánh ngang với Người chỉ huy trong khả năng động não và đưa ra giả thuyết đều sẽ có được một người bạn trung thực và tận tâm. Bất kỳ ai không thể hoặc sẽ không, cũng như nhiều kiểu người thực tế hơn thường đặt câu hỏi về ý nghĩa của những cuộc thảo luận như vậy, sẽ thấy mình bị phớt lờ - có lẽ đây là tình huống tốt nhất cho tất cả mọi người.
Làm cha mẹ
Ở cương vị cha mẹ, hầu hết Người chỉ huy phải tiết chế cách tiếp cận cuộc sống cứng rắn và siêu logic của mình để nhường chỗ cho nhu cầu và cảm xúc của con cái. Điều này không có nghĩa những người thuộc nhóm Người chỉ huy là những bậc cha mẹ tồi - hoàn toàn không phải như vậy - đơn giản là mối quan hệ giữa họ với con cái, những người thường nhạy cảm hơn và ít có khả năng phân tích một cách thực sự hợp lý, đòi hỏi sự khéo léo về mặt cảm xúc và tự do cá nhân nhiều hơn so với những gì họ thường làm.
Nhưng Người chỉ huy luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách và sẽ thực hiện nghiêm túc vai trò cha mẹ của mình với tinh thần trách nhiệm cá nhân cao nhất. Vốn luôn đặt ra cho bản thân những tiêu chuẩn cao hơn hầu hết mọi người, nhóm Người chỉ huy coi sự thành công của con cái họ là tấm gương phản chiếu những tiêu chuẩn cá nhân đó và không muốn gì hơn ngoài việc thấy con cái lớn lên thành những người thông minh, độc lập và luôn cố gắng đạt được mục tiêu. Đối với Người chỉ huy, việc thiết lập các giá trị đạo đức cụ thể ít quan trọng hơn việc trau dồi trí tuệ và tư duy độc lập, hợp lý.
Xây dựng khả năng chịu đựng về cảm xúc
Người chỉ huy hoan nghênh sự khác biệt về quan điểm, và con cái của họ cũng thế. Nhưng dù Người chỉ huy sẽ vui vẻ tham gia những cuộc thảo luận hợp lý, thấu đáo về vai trò và trách nhiệm, thì sau cùng họ vẫn mong muốn uy quyền của mình được xem trọng. Bất đồng không phải là lý do để trốn tránh trách nhiệm đã giao và cha mẹ Người chỉ huy có thể tuyệt đối không khoan nhượng trong việc duy trì lề lối này. Sự nghiêm khắc này có thể là nguyên nhân lớn gây ra căng thẳng trong gia đình - linh hoạt hơn một chút có khả năng sẽ giúp ích rất nhiều.
Khi những cuộc tranh luận này chuyển thành những lời thỉnh cầu mang tính cảm xúc cũng là lúc các bậc cha mẹ thuộc nhóm Người chỉ huy gặp rắc rối thực sự, bởi điểm yếu dai dẳng của họ về khả năng chịu đựng cảm xúc khiến cho việc đối phó với những đứa trẻ đang lớn, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi vị thành niên, trở thành thách thức lớn nhất của họ. Giống như trong các mối quan hệ khác, các bậc cha mẹ thuộc nhóm Người chỉ huy nên cố gắng củng cố kỹ năng này - thường thì trẻ nhỏ không có đủ từ ngữ để diễn đạt nhu cầu của mình một cách hợp lý, còn trẻ vị thành niên thì không đủ kiên nhẫn để làm điều đó, một tình huống hoàn toàn tự nhiên.
Bằng việc học cách lắng nghe những biểu hiện cảm xúc như một hình thức giao tiếp chính đáng và đáp lại một cách tử tế, Người chỉ huy có thể giảm thiểu xung đột cảm xúc giữa họ với con cái, xây dựng niềm tin giúp xoa dịu những năm tháng thiếu niên nổi loạn.
Bồi dưỡng tính độc lập
Các bậc cha mẹ thuộc nhóm Người chỉ huy nên nhớ một phần của quá trình phát triển ý thức độc lập cần thiết là khả năng kiểm soát lịch trình và hoạt động của bản thân, là lập kế hoạch cho lộ trình của riêng mình, ít nhất là ở một mức độ nhất định. Những người sỡ hữu tính cách Người chỉ huy sẽ không tiếc công sức cho con cái, nhưng đôi khi, việc hít một hơi thật sâu và nới lỏng các nguyên tắc khi con cái lớn lên và trưởng thành sẽ giúp ích cho mục tiêu nuôi dạy nên những người trưởng thành thông minh, có năng lực của họ hơn những gì các chương trình ngoại khóa bắt buộc có thể mang lại.
Con đường sự nghiệp
Thế giới nghề nghiệp chính là nơi mà nghị lực và sự táo bạo của Người chỉ huy phát huy tối đa hiệu quả. Không có loại tính cách nào phù hợp để trở thành vị lãnh đạo được kính trọng của một tổ chức hoặc một đội ngũ hơn Người chỉ huy, và cũng không có loại tính cách nào khác lại tận hưởng điều đó đến vậy. Người chỉ huy kết hợp tầm nhìn, trí thông minh và quyết tâm của bản thân để thúc đẩy quá trình thực hiện các ý tưởng bất chấp mọi trở ngại, và nhờ đó họ trở thành lực lượng đáng được nể trọng.
Một tầm nhìn duy nhất
Trên thương trường, mức độ tự tin đôi khi quá mức mà Người chỉ huy (đặc biệt là những người Quyết đoán) thường quản lý kém khéo léo trong các mối quan hệ cá nhân lại trở thành một thứ quyền lực đáng ngưỡng mộ, giúp mọi người đi đúng hướng và hoàn thành công việc. Đương nhiên những nghề nghiệp tốt nhất dành cho nhóm Người chỉ huy đều tận dụng tối đa những phẩm chất này, và nhiều người sẽ mô tả các vị trí điều hành và làm chủ là những công việc lý tưởng – bất kỳ vị trí nào đủ cao để họ có thể nhìn thấy rõ đường chân trời.
Đối với Người chỉ huy, thất bại không phải là một lựa chọn – họ hình thành trong óc mình tầm nhìn về tương lai, xây dựng chiến lược để đạt được tầm nhìn đó và thực hiện từng bước một cách chính xác đến mức tàn bạo.
Cấu trúc và trật tự là yếu tố then chốt, và nếu ai đó cẩu thả hoặc cản trở công việc bằng sự kém cỏi, lười biếng hoặc kém hiệu quả, Người chỉ huy sẽ không ngần ngại loại người đó một cách cứng rắn. Người chỉ huy theo đuổi mục tiêu của mình với một tầm nhìn duy nhất, và đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho bản thân cũng như những người khác. Những tiêu chuẩn đó được thiết kế trên hết là để đạt được tính hiệu quả. Đặc điểm này giúp Người chỉ huy trở thành những nhà chiến lược doanh nghiệp xuất sắc, và tính khách quan cũng như suy nghĩ rõ ràng của họ giúp họ trở thành những luật sư và thẩm phán được kính trọng.
Những điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không ai hiểu những gì Người chỉ huy đang nghĩ. May mắn thay, họ là những người có khả năng giao tiếp rõ ràng và ngắn gọn, đặc biệt là khi tương tác trực tiếp, giúp quản lý kinh doanh trở thành công việc phù hợp với họ – miễn là nhiệm vụ của họ không lệch quá xa sang bảo trì và bảo dưỡng định kỳ. Người chỉ huy cũng khát khao tri thức và họ không ngại áp dụng một nguyên lý khi họ đã nắm được cơ chế của nó. Đặc điểm này kết hợp với khả năng lãnh đạo giúp Người chỉ huy trở thành những giáo sư đại học khó chịu nhưng làm việc hiệu quả.
Kỳ vọng lớn lao
Vấn đề duy nhất là phải mất thời gian để kỹ năng của Người chỉ huy được công nhận, và việc bị kẹt lâu ở vị trí nhân viên cấp thấp sẽ khiến họ bồn chồn và vô cùng không vui. Những người sở hữu tính cách Người chỉ huy khát khao được lãnh đạo và gánh vác trách nhiệm, được phát triển và nắm bắt cơ hội. Họ cũng thực sự thích được quản lý người khác để hoàn thành công việc. Người chỉ huy là những người nhìn xa trông rộng và là những nhà lãnh đạo, không phải lao động quèn hay những quản trị viên hàng ngày. Để điều đó được công nhận không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng Người chỉ huy vẫn có đủ khả năng để làm được như thế.
Thói quen tại nơi làm việc
Đối với những người sở hữu tính cách Người chỉ huy, nơi làm việc chẳng khác nào môi trường sống tự nhiên. Khả năng làm việc hiệu quả và giao tiếp rõ ràng của Người chỉ huy được đánh giá cao, năng lực lãnh đạo của họ được ngưỡng mộ và khả năng hoàn thành công việc một cách đơn giản của họ cũng không có đối thủ. Dẫu vậy, sẽ có một số công việc phù hợp với Người chỉ huy hơn các công việc khác - những phẩm chất này đều hướng đến vai trò quản lý hoặc điều hành, khiến bất kỳ vị trí nào kém quyền lực hơn đều không có tính hấp dẫn với họ.
Tuy nhiên, Người chỉ huy là những người cứng rắn, có khả năng thích ứng với bất kỳ mối quan hệ thứ bậc nào bằng cách làm những gì họ giỏi nhất: khẳng định ý kiến của bản thân, chủ động và đạt được những chiến công mà người khác cho là không thể.
Người chỉ huy trong vai trò cấp dưới
Các vị trí cấp dưới là thách thức đối với Người chỉ huy và cần phải quản lý tích cực để đảm bảo họ cảm thấy hài lòng và hứng thú với công việc. Từng là những người đạt thành tích cao, Người chỉ huy trong vai trò cấp dưới đặt mục tiêu học tập các kỹ năng mới cũng như tìm kiếm những thử thách và trách nhiệm mới, tha thiết muốn chứng minh rằng chỉ cần chăm chỉ thì không có gì là không thể. Nếu mọi thứ trở nên buồn tẻ, Người chỉ huy có thể bị lơ đãng, nhưng khi họ cảm thấy hứng thú với các dự án xung quanh, họ sẽ thể hiện khả năng sắp xếp và ưu tiên ở mức tốt.
Người chỉ huy luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, nhưng nguyên nhân lớn dẫn đến tinh thần này là phản hồi từ môi trường làm việc của họ - cụ thể là những lời phê bình từ quản lý. Những góp ý khách quan, hợp lý về những gì họ đã làm đúng và những gì họ có thể làm tốt hơn rất hữu ích với Người chỉ huy, và họ không hề phẫn nộ với những lời phê bình như vậy mà còn đánh giá cao. Cơ hội phát triển giúp Người chỉ huy luôn tập trung và làm việc hiệu quả, và miễn là quản lý của họ nhận ra đây là trách nhiệm chính của họ thì hai bên sẽ hình thành mối quan hệ có lợi và thỏa mãn.
Người chỉ huy trong vai trò đồng nghiệp
Trong số các đồng nghiệp, Người chỉ huy là người hòa đồng và rất thích chia sẻ ý kiến cũng như góp ý trong những phiên họp đóng góp ý tưởng thường xuyên. Vốn là những nhà lãnh đạo thiên bẩm, Người chỉ huy có xu hướng khẳng định mình ở các vị trí đại diện và lãnh đạo dự án, coi tính khách quan và khả năng thu hút quần chúng của họ là những phẩm chất hoàn hảo cho những vai trò này. Người chỉ huy thích làm việc với những người ngang tài, nhưng mọi người phải chứng minh rằng họ ngang tài - bất kỳ ai mà Người chỉ huy coi là kém năng lực hoặc thiếu nghị lực sẽ chỉ nhìn thấy sự trịch thượng và kiêu ngạo từ họ.
Người chỉ huy là những người cứng rắn, thậm chí độc tài, và mặc dù họ thích truyền cảm hứng và kèm cặp người khác, năng lượng mà họ mang vào quá trình này lại có vẻ độc đoán. Khi đảo ngược vai trò, cố vấn của Người chỉ huy nên nhớ rằng học trò của mình rất lý trí và coi trọng tính cương quyết – cầm tay chỉ việc, khơi gợi tình cảm hoặc sự thiếu quả quyết có thể sẽ mãi mãi chấm dứt mối quan hệ của hai người ngay lập tức. Trong quan hệ cộng tác, điều tốt nhất là điều hiệu quả nhất, và lãng phí thời gian thì có bào chữa thế nào vẫn là lãng phí thời gian.
Người chỉ huy trong vai trò quản lý
Người chỉ huy trong vai trò quản lý là những người có khả năng giao tiếp tự tin, lôi cuốn và họ chỉ truyền đạt chỉ một tầm nhìn: hoàn thành công việc hiệu quả nhất có thể và đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất. Tất cả đều phải tuân theo mục tiêu đó, nhưng phương thức mà Người chỉ huy sử dụng để đạt được mục tiêu khiến những người khác coi mục tiêu này cũng là của chính họ. Người chỉ huy là những nhà lãnh đạo thiên bẩm và khả năng xây dựng chiến lược cũng như xác định điểm mạnh của từng thành viên trong đội ngũ, áp dụng những khả năng đó vào kế hoạch của họ để mỗi cá nhân đều đảm nhận một vai trò quan trọng và duy nhất, giúp họ trở thành một người khích lệ.
Những nỗ lực này vừa giúp nâng cao tinh thần làm việc và sự hài lòng của những cấp dưới có cùng chí hướng với Người chỉ huy, vừa giúp đạt được mục tiêu cuối cùng là làm việc đúng giờ và vượt trội. Những người bị các quản lý thuộc nhóm Người chỉ huy coi là kém hiệu quả, hoặc những người tỏ ra lười biếng hoặc cho ra sản phẩm kém chất lượng sẽ được nói thẳng rằng họ đã để lại ấn tượng xấu. Cách duy nhất để khôi phục ấn tượng là tuân thủ, ngoài ra thì giải pháp thay thế duy nhất là gây ấn tượng với một quản lý mới, ở một cơ quan khác.
Kết luận
Được trang bị trí tuệ mạnh mẽ và tư duy chiến lược, Người chỉ huy có thể vượt qua hoặc khuất phục những trở ngại mà hầu hết mọi người dường như không thể đánh bại. Tuy nhiên, nhiều thói quen kỳ quặc của họ, chẳng hạn như chủ nghĩa duy lý thường không có giới hạn, lại gây ra nhiều hiểu lầm. Những hiểu lầm đó kết thúc ở đây. Những gì bạn đã đọc cho đến lúc này chỉ mới là phần giới thiệu – chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều để kể với bạn về tính cách Người chỉ huy.
Tại một thời điểm nào đó khi đọc qua kết quả của mình, có thể bạn đã chạm đến điểm bùng phát. Bạn đã chuyển từ thái độ hoài nghi đặc trưng của Người chỉ huy sang “ơ…” rồi “đợi đã, cái gì cơ?” Thậm chí bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu vì bạn thực sự không quen với việc được hiểu, ngay cả bởi những người thân thiết nhất.
Rất có thể bạn đã chấp nhận điều đó như một phần con người và thậm chí còn có thể trở nên tự hào về chuyện này nữa. Nhưng chấp nhận sự mất kết nối đó không phải là yêu cầu đối với Người chỉ huy. Đó là một cơ chế bảo vệ bị lạm dụng, dẫn bạn vào con đường cô đơn, kém hiệu quả – việc hiểu rõ hơn về bản thân và người khác sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn rất nhiều.
Đây không phải là mánh lới quảng cáo về ngày sinh và không, chúng tôi không bí mật theo dõi bạn - thay vào đó, chúng tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu những câu chuyện cuộc đời, kinh nghiệm và khuôn mẫu của nhóm Người chỉ huy thông qua hàng trăm cuộc khảo sát. Từng bước một nghiên cứu từng quan điểm nhận thức, chúng tôi đã khám phá ra cách những người có cùng phẩm chất và quan điểm với bạn vượt qua những thách thức mà họ gặp phải. Bạn là một cá thể riêng biệt, nhưng ở đây bạn không đơn độc. Học hỏi từ kinh nghiệm của người khác là một hành động khôn ngoan – và chúng tôi thực sự muốn chia sẻ những hiểu biết đó với bạn.
Khi bạn tiếp tục tìm hiểu thêm thông qua sách điện tử và các khóa học tương tác mà chúng tôi cung cấp, chúng tôi sẽ đào sâu hơn nhiều về tư duy của Người chỉ huy. Chúng tôi không chỉ trả lời “cái gì” mà còn “tại sao?”, “làm thế nào?” và “điều gì sẽ xảy ra nếu?” Tại sao bạn hành động theo cách bạn luôn hành động? Bạn phải làm thế nào để tìm thấy động lực và cảm hứng? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn vượt qua nỗi sợ hãi để theo đuổi những gì bạn luôn thầm muốn đạt được trong cuộc sống?
Chúng tôi có thể chỉ cho bạn cách tận dụng điểm mạnh của bản thân để phát huy tiềm năng đặc biệt và né tránh những cạm bẫy phổ biến mà vẫn trung thực với con người thật của mình - xét cho cùng, đó mới là vấn đề chính. Để xem bạn có thể phát triển như thế nào để trở thành người mà bạn biết mình có khả năng trở thành, theo những cách mà sau cùng bạn sẽ cảm thấy là đúng đắn – hãy đọc tiếp, hỡi Người chỉ huy.
Những người nổi tiếng mang tính cách ENTJ:
- Napoleon Bonaparte – Hoàng đế Pháp.
- Julius Caesar – Đại tướng và cha nuôi của Augustus.
- Margaret Thatcher – Thủ tướng anh - "Người đàn bà thép".
- Garry Kimovich Kasparov – Đại kiện tướng cờ vua người Nga.
- Alexander Hamilton – Nhà khai quốc, chính trị gia, luật sư, chuyên gia tài chính người Mỹ.
- Carl Sagan - Nhà vật lý thiên văn người Mỹ.
Phần thảo luận của những người thuộc nhóm ENTJ, mỗi nhóm tính cách có một trang thảo luận riêng.
Phần thảo luận của những người thuộc nhóm ENTJ, mỗi nhóm tính cách có một trang thảo luận riêng.